Sáng ngày 21/2/2023 học sinh trường Tiểu học Bồ Đề được nghe tuyên truyền phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân. Mùa đông xuân tiết trời lạnh khí hậu lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Trong số các bệnh vào mùa đông xuân, thì các bệnh về hô hấp và bệnh ngoài da trẻ em thường mắc phải.
Hình ảnh buổi tuyên truyền phòng bệnh mùa đông xuân
I. Các bệnh thường gặp vào mùa đông xuân:
1. Bệnh sởi:
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút gây ra, bệnh có tính lây truyền qua đường hô hấp do các chất tiết của mũi, họng có chứa vi rút Sởi khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi… bệnh thường hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ chưa mắc bệnh Sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng Sởi thì đều có thể mắc bệnh này.
Bệnh biểu hiện với các triệu chứng lúc đầu chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn hoặc có rối loạn tiêu hóa. Sau đó bệnh nhân sốt cao, kèm theo nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, tiêu chảy, khám họng có thể thấy những chấm trắng nhỏ nổi trong niêm mạc má màu đỏ, xung huyết. Tiếp đó là giai đoạn phát ban, trẻ sốt cao 40oC, ban mọc theo trình tự, bắt đầu ở vùng đầu, trán, sau tai sau đó lan xuống mặt, gáy, lưng, tay, chân ( kéo dài 3 – 4 ngày).
2. Cảm lạnh:
- Thời tiết mùa đông xuân, thường không ổn định. Khi thời tiết thay đổi thường gây bệnh cảm lạnh, nhất là những ngày mưa phùn. Người bệnh có triệu chứng: Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi
- Cách phòng chống: Vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, và uống nhiều nước là một cách hiệu quả.
3. Các bệnh về phổi:
- Thời tiết cuối đông, đầu xuân với những cơn mưa phùn làm cho độ ẩm không khí cao, nhiệt độ không quá lạnh, các vi sinh vật có cơ hội phát triển thuận lợi thì các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao.
- Việc phòng viêm phổi trong mùa đông vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... cần đến khám bác sỹ ngay để được điều trị kịp thời.
4. Bệnh về da:
- Vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi và chất bã, không khí hanh khô làm da bị mất nước nhiều hơn. Da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy.
- Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng
II. Các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch;
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; cho trẻ mặc ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu;
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp,… hạn chế đến những chỗ đông người;
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm, tránh ăn hoặc uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh;
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày;
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình;
- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời./.
Sau khi được nghe tuyên truyền, các em còn được trả lời các câu hỏi liên quan đến nộid ung tuyên truyền. Mong rằng mỗi em học sinh trường Tiểu học Bồ Đề sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền những nội dung này đến gia đình và người thân.
Một số hình ảnh buổi tuyên truyền:
Học sinh giao lưu trong buổi tuyên truyền
Học sinh giao lưu trong buổi tuyên truyền