Chủ điểm: EM YÊU CHÚ BỘ ĐỘI
Tên sách: Người lính Điện Biên kể chuyện.
Nhà xuất bản: Kim Đồng
Năm xuất bản: 2019
Hòa chung niềm tự hào của dân tộc và ôn lại những ngày tháng oanh liệt, hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, thư viện nhà trường trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” ; người kể Đỗ Ca Sơn, người thể hiện Kiều Mai Sơn. Sách do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019, có độ dày 102 trang, được in trên khổ 15cm x 21cm.
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng về những thành tựu và chiến công trong lao động sản xuất và đánh giặc giữ nước làm rạng rỡ non sông. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những truyền thống vẻ vang đó.
Hòa chung niềm tự hào của dân tộc và ôn lại những ngày tháng oanh liệt, hào hùng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” ; người kể Đỗ Ca Sơn, người thể hiện Kiều Mai Sơn. Sách do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019, có độ dày 102 trang, được in trên khổ 15cm x 21cm.
Cuốn sách gồm 19 câu chuyện giản dị và chân thật về những con người đã làm nên chiến thắng quyết định để đất nước được độc lập, tự do và hòa bình. Đó là những mẩu chuyện về những người lính đã phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu, hi sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Họ thực sự là những dũng sĩ, những người anh hùng trên đồi A1. Và chính trong gian khổ, hiểm nguy giữa cuộc chiến sinh tử mà tình đồng đội, đồng chí được thể hiện chân thành, trong sáng, vô tư nhất.
Những câu chuyện về Điện Biên Phủ ta có thể gặp ở nhiều cuốn sách, tư liệu, nhưng những câu chuyện của nhà giáo Đỗ Ca Sơn vẫn có sức cuốn hút thật đặc biệt. Đó là câu chuyện về những nắm cơm mà để đến được đồi A1 những người lính anh nuôi đã phải hi sinh thân mình (Nước mắt - trang 44); rồi những giọt nước mắt mặn chát khi chứng kiến cảnh “thịt trộn bùn non”, phải dẫm lên xác đồng đội dưới chiến hào (Nỗi đau thịt trộn bùn non - trang 65); những câu chuyện bông đùa của các anh chiến sĩ về các cô dân công, sự mộng mơ của chàng trai trẻ Hà Thành khi nhớ về Hà Nội (Thi đua bám sát không rời cự li - trang 74), sự háo hức khi đọc cuốn "Buồn ơi chào nhé" được máy bay Pháp thả bằng dù xuống chiến trường cho lính Pháp (Buồn ơi chào nhé - trang 77), sự “móc ngoặc” đáng yêu giữa những người lính bộ binh và pháo binh để có đạn “nã” vào quân thù, hay pha “Suýt bị kỉ luật trong ngày chiến thắng” (trang 81) khi chàng lính trẻ xông lên bắt tay một người lính Pháp đã ra hàng. Và không chỉ có tình yêu thương giữa những con người cùng chung chiến tuyến, thầm lặng, sâu kín đâu đó là lòng thương cảm đầy nhân văn của anh bộ đội Cụ Hồ dành cho những thương binh và tù binh Pháp đối thủ đã bị đánh bại (Ông cai tù đẹp trai, hiền lành - trang 88).
Trên đồi A1, trong mưa bom bão đạn, cái chết cận kề, không phải không có những phút nao lòng vì nhớ nhà, nhớ một mái tóc dài, một tiếng khóc trẻ thơ, vì chưa thấu hiểu quyết định của cấp trên… nhưng cuối cùng, những người lính đã vượt qua tất cả, xả thân chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc. Những câu chuyện của nhà giáo Đỗ Ca Sơn vì thế chạm được vào trái tim người đọc, giúp bạn đọc hiểu thêm về truyền thống của cha ông ta và mãi mãi không quên công ơn các anh hùng, liệt sĩ Điện Biên.
Hình ảnh em Khánh Minh – Cao Duy lớp 5A6 giới thiệu sách
Hình ảnh văn nghệ chào mừng ngày Thành lập QĐND Việt Nam
Hình ảnh văn nghệ chào mừng ngày Thành lập QĐND Việt Nam